Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ,

Desmond Tutu & Datlaidatma,

TIẾNG NÓI CỦA NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ TIẾNG NÓI”,

 Tôn vinh Desmond Tutu, ‘’Tiếng Nói của những Người không có tiếng Nói’’,   ‘’Lương tâm đất nước Nam Phi’’, Khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1984, Desmond Tutu vừa mất – 8 năm sau Nelson Mandela. Báo Pháp đăng bài thơ Nam Phi viết từ Miền Nam Việt Nam Tự Do năm 1959.

Sáng hôm nay, 1 Tháng Giêng năm 2022, trời mưa tầm tã trên thành phố Cap, Nam Phi. ‘’Phải chăng các thiên thần cũng không cầm được nước mắt tiếc thương?’’ Người nói đó là một trong số hàng chục triệu người Nam Phi vô danh tiễn đưa Desmond Tutu trong tâm tưởng vì không thể đến dự lễ tang tại thánh đường Saint Georges. Cần nhắc lại, tại nhà thờ này, từ tháng Chín năm 1986, Desmond Tutu là vị Tổng Giám mục da đen đầu tiên đã thuyết giảng. Cũng từ nơi này đã khởi phát nhiều cuộc biểu tình tuần hành chống chế độ và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Apartheid). Nhà thờ Anh giáo Saint Georges biến thành ‘’Thánh đường của nhân dân’’ và ‘’thiên đường – nơi dung thân cho các nhà hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc bị săn lùng bởi lực lượng an ninh Nam Phi.

Đối với Nelson Mandela, chiến sĩ và tù nhân Nam Phi nổi tiếng, nói riêng và nhân dân Nam Phi nói chung, vị khôi nguyên Nobel Hòa bình 1984 Desmond Tutu là ‘’Tiếng nói của những người không có tiếng nói’’. Desmond Tutu còn được coi là ‘’Người lãnh đạo tinh thần  cuộc tranh đấu của Nelson Mandala cho Nhân phẩm, Tự do, Công lý và Hòa bình. Không bao giờ chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực, Desmond Tutu là hiện thân của người trí thức dũng cảm khôn tả. Ông đối nghịch không khoan nhượng với bất công và tội ác. Nhưng ông lại hiếu hòa và bao dung. Ông trung thực, gắn bó với lòng tin nhân bản sâu sắc. Cố Tổng Giám mục đã đóng vai lá chắn trong các cuộc biểu tình bất bạo động do chính ông tổ chức. Desmond Tutu kiên quyết đứng trước các cuộc biểu tình, áo choàng giáo sĩ tung bay trong gió, cây thánh giá như một tấm lá chắn, theo lời kể lại của bà quả phụ Nelson Mandela. Chế độ Apartheid kết thúc năm 1990 tạo điều kiện cho Nobel Hòa bình 1993 Nelson Mandala được bầu làm Tổng thống Nam Phi năm 1994 và cố Tổng Giám mục Desmond Tutu được ủy nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Sự Thật và Hòa Giải năm 1995.

          Sinh ngày 7 Tháng Mười năm 1931, Desmond Tutu mất ngày 26 Tháng Chạp năm 2021. Theo di chúc của cố Tổng Giám mục, tang lễ chỉ cử hành thật đơn giản. Quan tài bằng gỗ thông thứ rẽ tiền nhứt, một bó hoa cẩm chướng trắng trên áo quan, không có tràng hoa nào khác trong nhà thờ. Khoảng một trăm người gồm có tang quyến, bạn hữu, tu sĩ và giới chức được mời tham dự Thánh lễ Cầu Hồn. Nghi thức quốc tang giảm xuống mức tối thiểu, Tổng thống Nam Phi đọc điếu văn trước khi lá quốc kỳ được trao cho bà quả phụ Leah Nomalizo Tutu. Niềm xúc động của những người hiện diện, nhứt là thân nhân tang quyến, không sao diễn tả được. Người con gái thứ ba trong bốn người con của ông bà Desmond Tutu, mục sư Nontombi Naomi Tutu đã cảm ơn những lời tôn kính, yêu thương của thế giới đối với ‘’Lương tâm của đất nước Nam Phi’’ sau khi được tin Buồn do chính Tổng thống Nam Phi loan báo.

Desmond Tutu & Datlaidatma,

         Xin được nhắc lại, khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma là người lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng mà đất nước bị Trung Cộng chiếm đóng từ nhiều thập niên qua. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không đến được Nam Phi để đưa tiễn lần cuối người bạn rất thân thiết của ông. Đức Đạt Lai Lạt Ma ca ngợi cố Tổng Giám mục Desmond Tutu là ‘’một con người cao thượng tuyệt vời, người đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa”, “hoàn toàn dành hết tấm lòng cho sự phục vụ các anh chị em của mình”. “Tình bạn và mối liên hệ tinh thần, sự gắn bó tâm linh giữa chúng tôi là điều mà chúng tôi trân trọng”. Desmond Tutu từng họp báo chỉ trích lập trường của chánh phủ Nam Phi chịu áp lực của Bắc Kinh đã tỏ ra thiếu thân thiện với dân tộc Tây Tạng đang bị Trung Cộng áp bức tàn bạo. Cố Tổng Giám mục đã cảnh cáo rằng (ông và các bạn hữu của ông) ‘’Chúng tôi sẽ cầu nguyện cho sự sụp đổ của một chính phủ không đại diện cho chúng tôi giống như chúng tôi đã cầu nguyện cho sự sụp đổ của chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi’’. Desmond Tutu từng phát biểu : ‘’Cảm ơn Thượng đế đã sáng tạo Đạt Lai Lạt Ma’’. Trong một cuộc họp tuần hành thắp nến, ông kêu gọi các nhân vật cầm đầu Nhà nước trên thế giới tẩy chay Lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, Trung cộng. Ngày 10 Tháng Hai năm 2012, Cố Tổng Giám mục đã đích thân đến thăm Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala, Ấn Độ trong lúc có một số nhân vật chính trị và tôn giáo thế giới không dám tiếp đón khôi nguyên Nobel Hòa Bình 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng vì sợ Trung cộng ‘’trừng phạt’’ hay ‘’tức giận’’.

          Riêng về người Việt Nam tự do, tị nạn cộng sản, chúng ta đã có nhiều dịp hưởng ứng các công cuộc vận động bênh vực Tự Do và Nhân Quyền do cố Tổng Giám mục Desmond Tutu  đề xướng hoặc tham gia cùng nhiều vị Khôi nguyên Nobel Hòa Bình ở khắp năm châu. Desmond Tutu cũng rất quan tâm đến vấn đề Nhân đạo, Nhân sinh và Môi trường.

          Trong một giấc ngủ bình yên, Desmond Tutu đang đi về cõi vĩnh hằng. Để tỏ lòng tôn kính cố Tổng Giám mục Desmond Tutu, con người và quê hương của ông, báo Pháp OPINION INTERNATIONALE (NGÔN LUẬN QUỐC TẾ) đã cho đăng nơi trang Diễn đàn quốc tế bản dịch tiếng Pháp bài thơ “Nam Phi” của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt. Bên cạnh bài thơ ‘’Nam Phi’’ còn có bài ‘’Hommage à Desmond Tutu’’ của tác giả  Emmanuel de Reynal đặc biệt tôn vinh cố Tổng Giám mục khôi nguyên Nobel Hòa bình 1984, đồng tác giả Thần học Ubuntu với Nelson Mandela.

          Bài thơ “Nam Phi” được viết năm 1959 tại Sài Gòn, miền Nam Việt Nam, và được đăng trong Tuyển tập thơ Hy Vọng năm 1961 (Giải thưởng Văn chương Toàn quốc lưỡng niên 1960-1961 – Việt Nam Cộng Hòa)*.

———————————————————————————————————–

   * Viết một bài thơ thay cho bạn hữu Nam Phi từ nửa thế kỷ trước

Trích <<Từ Nam Phi nghĩ đến Việt Nam – Viết một bài thơ thay cho bạn hữu Nam Phi từ nửa thế kỷ trước>> (Bản Tin LHNQVN-TS ngày 14 Tháng Chạp năm 2013 nhân dịp Nam Phi và thế giới tiễn biệt Nelson Mandela).

(…)

         Bài thơ Nam Phi của một nhà thơ ở Miền Nam Việt Nam Tự Do, Nguyên Hoàng Bảo Việt, đã được viết hồi năm 1959. Tính ra là ba năm trước khi ông Nelson Mandela bị bắt (năm 1962) rồi bị kết án tù chung thân khổ sai (năm 1964). Sau khi ông Nelson Mandela qua đời (5 Tháng Chạp năm 2013) và được toàn cầu vinh danh, các văn thi hữu Văn Bút Nam Phi* đã đọc lại bài thơ Nam Phi vào dịp cử hành Ngày Quốc Tế Nhân Quyền. Nhà thơ Việt Nam, 54 năm trước, dù chưa hề đặt chân đến quê hương của Nelson Mandela, ở cách xa gần 10 ngàn cây số đường chim bay, cũng đã dùng ngòi bút viết ra và nói lên nỗi bất bình và bày tỏ niềm hy vọng của một dân tộc bất hạnh đang tranh đấu đòi lại Tự Do, Nhân Phẩm, Dân Quyền và Nhân Quyền. Bài thơ Nam Phi chỉ có thể được ra đời và phổ biến không qua một sự kiểm duyệt nào tại Việt Nam Cộng Hòa, trên nửa phần đất nước chưa bị cộng sản quốc tế chiếm đóng, từ bờ phía nam cầu Hiền Lương đến mũi Cà Mau.

Sau khi được in trong tập thơ Hy Vọng năm 1961, bài thơ Nam Phi và cả tập thơ Hy Vọng đã được bạn hữu ngoại quốc của tác giả tiếp đón tại Nhựt, Thái Lan, Đại Hàn, Tích Lan, Phi Luật Tân, Ấn Độ, Hồi Quốc, Nam Dương, Hương Cảng, Tân Gia Ba, Cao Miên, Do Thái, Liban, Hy Lạp, Úc, Ai Cập, Tunisie, Maroc, Algérie, Rhodésie, Côte d’Ivoire, Kenya, Tanganyika, Ý, Tây Ban Nha, Áo, Thụy Sĩ, Anh, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Bỉ, Tây Bá Linh, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Tây Đức, Hoa Kỳ, Jamaïque và Argentine. (…).

          Chúng tôi xin được gởi đến quý bạn hữu, quý bạn đọc và quý diễn đàn bài thơ Nam Phi của thi hữu Nguyên Hoàng Bảo Việt, kèm theo bản tiếng Anh và tiếng Pháp (đăng ngày 28 Tháng Chạp năm 2021 trên báo OPINION INTERNATIONALE (NGÔN LUẬN QUỐC TẾ) và trên Trang FaceBook PEN INTERNATIONAL (VĂN BÚT QUỐC TẾ). Bài thơ Nam Phi là một trong mười bài thơ của nhà thơ Việt Nam tị nạn cộng sản đến từ Genève Thụy Sĩ – tất cả đã được đọc bằng tiếng Việt và tiếng Anh tại Lễ Hội Lưỡng Niên Liên Hoan Thi Ca Á Châu Tháng Giêng năm 2019 New Delhi, thủ đô Ấn Độ. 

* Ghi chú : Nam Phi có hai Trung Tâm Văn Bút mang tên là Nam Phi và Afrikaans.

Genève ngày 1 Tháng Giêng năm 2022

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse

Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

********************************************************************************************************************************

Bài Khác

Follow by Email
YouTube