Thời sự Thứ Ba 31/8/2021
· Người dân Afghanistan mệt mỏi vì chiến tranh, nay chia rẽ vì sự cai trị của Taliban và Hoa Kỳ rời đi
· Thành hay bại của ‘chống dịch’ là do Bộ Y tế – Mai Lan
· Nên thoát phong toả như thế nào? – Gs. Nguyễn văn Tuấn
· Sài Gòn ngày phong tỏa thứ năm mươi bốn – Đỗ Duy Ngọc
· Cuộc gặp gỡ hiếm hoi: Tổng thống Palestine và Bộ trưởng Quốc phòng Israel
· Covid : ”Mô hình” quân đội đi chợ cho dân Sài Gòn thất bại (RFI)
· Dơi bay đen trời Tứ Xuyên, dân lo lắng dấu hiệu thiên tai sắp tới
· Luật hàng hải mới của Trung Quốc có thể là ‘bom hẹn giờ’
· Bắc Kinh sẽ tự rơi vào rắc rối và cạm bẫy nếu ủng hộ Taliban
· Tin tức thế giới ngày Thứ ba 31 tháng 8 năm 2021 – Võ Thái Hà tổng hợp
Bắc Kinh đòi các tàu phải khai báo khi đi qua “lãnh hải” Trung Quốc
Trung Quốc đòi độc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Ảnh minh họa. AFP
Cuối tuần qua, Bắc Kinh tuyên bố kể từ ngày 01/09/2021, tức là chỉ vài ngày sau khi thông báo, các tàu nước ngoài đi qua vùng biển được coi là « lãnh hải » của Trung Quốc phải khai báo các thông tin chi tiết.
Quảng cáo
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, quy định mới của Cơ quan An ninh Hàng hải Trung Quốc yêu cầu các tàu ngầm, tàu nguyên tử, tàu chở vật liệu phóng xạ, dầu lửa, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp các thông tin khi đi qua « vùng lãnh hải » Trung Quốc. Ngoài ra, « các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc » cũng phải tuân thủ quy định này.
Những tàu này phải khai báo tên, số hiệu, vị trí, cảng sắp ghé và giờ dự định đến nơi. Tên các vật liệu nguy hiểm và trọng tải của tàu cũng phải được báo cáo.
Trang The Interpreter của Lowy Institute có trụ sở tại Úc cho biết, việc dung hòa giữa vấn đề an toàn và tự do hàng hải đã được quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Theo công ước này, các quốc gia ven biển không được ngăn trở tàu ngoại quốc đi qua vô hại trong lãnh hải của mình, trừ trường hợp đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các hoạt động vũ trang.
Vấn đề ở đây là khái niệm « lãnh hải » của Bắc Kinh. Theo điều 2 Luật Biển và vùng tiếp giáp của Trung Quốc ngày 25/02/1992, « vùng lãnh hải » là vùng nước tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, mà lãnh thổ đó được cho là bao gồm cả Đài Loan và các nhóm đảo khác như Điếu Ngư, Bành Hồ, Đông Sa, Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa). Có nghĩa là nằm trong « đường lưỡi bò » mà Bắc Kinh tự vẽ, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.
Một điểm nhập nhằng khác là chiến hạm các nước nhất là của Mỹ có thể bị diễn giải là « tàu gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải Trung Quốc ».
Hiện chưa biết Trung Quốc tìm cách áp đặt quy định mới như thế nào, và cộng đồng quốc tế phản ứng ra sao. Nhưng nếu không bảo đảm quyền đi qua vô hại vốn được Hoa Kỳ rất coi trọng, Bắc Kinh có thể gây thêm căng thẳng tại Biển Đông.
Phát hiện mới về chủ quyền Hoàng Sa
Riêng về yêu sách chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, nhà nghiên cứu Bill Hayton của Anh hôm 26/08 đã công bố một phát hiện mới. Đó là bản dịch sang tiếng Anh một lá thư từ năm 1899 của Tổng lý Nha môn, tức bộ Ngoại Giao của triều đình Mãn Thanh, xác nhận Hoàng Sa nằm ở vùng khơi xa, có nghĩa là không thuộc về Trung Quốc.
Tư liệu mới này bổ sung cho nghiên cứu trước đây của bà Monique Chemillier-Gendreau trích từ văn khố Pháp, nêu vài trường hợp từ thế kỷ 19. Hai chiếc tàu Bellona của Đức và Imegi Maru của Nhật chở nguyên liệu đồng được các hãng Anh bảo hiểm, đi qua Hoàng Sa năm 1895-1896 bị ngư dân Trung Quốc cướp. Trả lời bộ Ngoại Giao Anh, các viên chức Hải Nam bác bỏ mọi liên can, nói rằng Hoàng Sa là hoang đảo không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Luật hàng hải mới của Trung Quốc có thể là ‘quả bom hẹn giờ’
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi tháng 12/2018 (ảnh chụp màn hình video CGTN/Youtube).
Từ ngày mai, về mặt pháp lý, Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào khu vực mà nước này coi là lãnh hải của mình phải thông báo cho Bắc Kinh, tạo ra điều mà một số người lo ngại là “quả bom hẹn giờ” gây ra xung đột ở Biển Đông, trang Taipei Times cho hay.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào tháng 4 đã sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc để yêu cầu tất cả các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải Trung Quốc phải thông báo cho các cơ quan chức năng hàng hải, mang theo các giấy phép liên quan và chịu sự chỉ huy và giám sát của Trung Quốc.
Nó cũng trao cho Bắc Kinh quyền ra lệnh cho các tàu nước ngoài mà họ cho là “đe dọa sự an toàn của các vùng nội hải hoặc lãnh hải của Trung Quốc” rời đi và thực hiện “quyền truy đuổi ngay lập tức”.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, lãnh hải được định nghĩa là vùng biển dài 12 hải lý (22,2km) từ lãnh thổ trên cạn, với “quyền đi lại miễn chịu hình phạt” dành cho tàu thuyền đi qua lãnh hải một cách không mang tới đe dọa an ninh cho quốc gia ven biển.
Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng yêu cầu mới sẽ áp dụng cho tất cả các tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ hoặc chất độc hại, cũng như bất kỳ tàu nước ngoài nào bị coi là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc”.
Các tàu phải báo cáo tên tàu, biển hiệu, vị trí hiện tại, cảng ghé tiếp theo, hành trình và tốc độ ước tính, bản chất của hàng hóa và sức tải.
Các quốc gia khác lo ngại rằng việc Trung Quốc lợi dụng luật pháp để mở rộng phạm vi xung đột “vùng xám” có thể trở thành một quả bom hẹn giờ tích cực, theo ông Tô Tử Vân, Giám đốc Phòng Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Đài Loan.
Ông Tô nói, Bắc Kinh coi quyền tài phán trên biển của mình bao gồm nhiều thứ hơn là vùng biển ven bờ.
Ông nói, điều này sẽ bao gồm 12 hải lý biển bao quanh các rạn san hô nhân tạo mà nước này đã xây dựng ở Biển Đông, tạo cho Bắc Kinh một cái cớ để đáp trả các cuộc tập trận tự do hàng hải do các quốc gia khác thực hiện.
Chuyên gia Tống Thừa Ân của Tổ chức giám sát dân chủ Đài Loan nói rằng ông hy vọng tác động đến eo biển Đài Loan là nhẹ.
Theo công ước của Liên Hợp Quốc, vùng biển giữa Đài Loan và Trung Quốc được coi là một eo biển quốc tế, qua đó bảo đảm quyền tự do hàng hải “chỉ với mục đích vận chuyển liên tục và nhanh chóng qua eo biển”.
Tuy nhiên, ông Tống đồng ý rằng việc sửa đổi có thể ảnh hưởng đến các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, tùy thuộc vào cách lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc lựa chọn để thực thi luật pháp.
Afghanistan : Quân đội Mỹ rời khỏi Kabul, kết thúc cuộc chiến tranh 20 năm
Lực lượng Taliban kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan, ngày 31/08/2021. AP – Khwaja Tawfiq Sediqi
Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, rạng sáng ngày hôm nay 31/08/2021, những người lính Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Kabul, để lại toàn bộ đất nước Afghanistan dưới sự kiểm soát cả Taliban, khép lại cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Trong một cuộc họp báo, tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy trưởng các lực lượng Mỹ đóng tại Afghanistan, thông báo, vào lúc 19h29 phút, giờ quốc tế, ngày 30/08, chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 cuối cùng của quân đội Mỹ đã cất cánh rời khỏi sân bay Kabul. Đại sứ Hoa Kỳ tại Kabul và một viên tướng nằm trong số những người Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan.
Ngay sau thông báo trên, Anas Haqqani, một lãnh đạo của phong trào Taliban đã hân hoan tuyên bố trên Twitter : « Chúng ta một lần nữa làm nên lịch sử. Hai mươi năm chiếm đóng Afghanistan của Hoa Kỳ và Nato đã kết thúc tối nay ».
Như vậy là Washington đã hoàn tất rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Afghanistan 24 giờ trước khi hết ngày 31/08, hạn chót mà tổng thống Joe Biden đã ấn định. Hai mươi năm sau khi đưa quân vào Afghanistan lật đổ chính quyền Taliban năm 2001, và sau 15 ngày di tản trong hỗn loạn, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã rời đi, để lại quyền cai quản đất nước cho phe Taliban.
Bộ Quốc Phòng Mỹ thừa nhận vẫn chưa thể đưa hết toàn bộ người Afghanistan muốn di tản như mong muốn. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, cầu không vận bắt đầu từ ngày 14/08 đã đưa được tổng cộng 123.000 người. Ngày 30/08, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington hứa tiếp tục « giúp đỡ » tất cả những người Mỹ muốn rời Afghanistan và Hoa Kỳ sẽ làm việc với Taliban nếu họ giữ đúng cam kết. Theo ông Blinken, hiện vẫn còn khoảng từ 100 đến 200 công dân Mỹ kẹt lại ở Afghanistan. Cơ quan đại diện Mỹ tại Kabul đã được chuyển qua Doha (Qatar) để tiếp tục các hoạt động ngoại giao và lãnh sự.
Quân đội Mỹ cũng thông báo đã cho phá hủy toàn bộ các máy bay, xe bọc thép và hệ thống phòng không chống tên lửa trước khi rời khỏi sân bay Kabul.
Cuộc chiến tranh kéo dài và tiêu tốn tiền của nhất trong lịch sử nước Mỹ còn được khép lại bằng những mất mát đau thương trong những ngày cuối cùng. Vụ đánh bom khủng bố trước cửa sân bay Kabul nhóm Daech tại Afghanistan hôm 26/08 vừa rồi đã làm hơn 100 người chết, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.
Trong hai thập kỷ, ba đời tổng thống Mỹ nối tiếp sau George W. Bush đều muốn kết thúc cuộc chiến tranh Afghanistan. Chính quyền Donald Trump đã thương lượng thỏa thuận với Taliban năm 2020. Người kế nhiệm Joe Biden thực thi việc rút quân cuối cùng. Cuộc chiến tranh Afghanistan đã kết thúc như khi nó bắt đầu: Taliban nắm quyền.
Taliban ăn mừng chiến thắng
Ngay khi những người Mỹ sau cùng rời lãnh thổ, phe nổi dậy Taliban ngày 31/08/2021, đã tổ chức ăn mừng chiến thắng. Mang giày và áo chống đạn mầu be, bên trong là bộ quân phục rằn ri ngụy trang, tay cầm súng Mỹ, với lá cờ trắng in dòng tuyên thệ Shahada mầu đen, lực lượng đặc nhiệm của Taliban, có tên gọi « Badri 313 », diễu binh tại sân bay Kabul sáng nay, theo tường thuật của AFP.
Trước đó, những tiếng súng nổ vang lên ở Kabul mừng thắng lợi, ngay khi quân đội Mỹ thông báo kết thúc cuộc triệt thoái. Với Taliban, đây là một chiến thắng « lịch sử », 20 năm sau khi bị Mỹ – đứng đầu một liên quân quốc tế – đánh đuổi năm 2001, nay đã trở lại cầm quyền từ ngày 15/08/2021.
Tại sân bay Kabul, phát ngôn viên của Taliban, Zabihullah Mujahid, tuyên bố : « Chúc mừng Afghanistan (…) Chiến thắng này là của chúng ta, của mọi người dân Afghanistan ». Vẫn theo phát ngôn viên này, « đây là một bài học lớn cho bất kỳ kẻ xâm lược nào khác và cho cả thế hệ tương lai của chúng ta » và « đây cũng là một bài học cho cả thế giới ». « Hôm nay là một ngày lịch sử, đây là một thời khắc lịch sử và chúng ta tự hào về ngày hôm nay ». Trước báo giới, Zabihullah Mujahid còn tuyên bố « mong muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ và thế giới ».
Nổi tiếng với những đạo luật hà khắc, trở lại cầm quyền lần này, Taliban đã ra sức chứng tỏ một diện mạo mới cởi mở và hòa dịu hơn, nhưng vẫn còn gây nghi ngại đối với nhiều nước và nhiều nhà quan sát.
Để trấn an phương Tây và thế giới, Taliban cam kết không trả thù những người từng cộng tác cho chính quyền cũ, tiến hành thành lập một chính phủ mở rộng cho nhiều phe phái khác, một khi toàn bộ các lực lượng quân sự nước ngoài rút đi.
Ông Zabihullah Mujahid nói tiếp : « Vương quốc Hồi Giáo tiến hành cuộc thánh chiến trong 20 năm qua. Giờ đây, vương quốc có đủ các quyền để điều hành một chính phủ sắp tới. Việc còn lại là thành lập một chính phủ bao gồm mọi thành phần ».
Vẫn theo AFP, Taliban chỉ trích phương Tây đã dẫn theo họ nhiều nhà trí thức giỏi nhất của Afghanistan. Taliban giờ phải bắt tay vào một nhiệm vụ to lớn mà không có giới trí thức : Vực dậy một đất nước và một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Bắt đầu tiến trình xét xử founder hãng Therenos Elizabeth Holmes
Cô cam kết tạo ra cuộc cách mạng trong xét nghiệm máu chỉ bằng một nhát chích vào ngón tay. Cô tuyên bố công nghệ mới có thể chạy một loạt các xét nghiệm lâm sàng chỉ trên một giọt máu với kết quả chính xác hơn, rẻ hơn và nhanh hơn so với thông thường. Với lời hứa đó, cô huy động được hàng trăm triệu USD, giúp đưa định giá công ty khởi nghiệp Theranos của cô lên 9 tỷ đô la. Nhưng rồi công nghệ thất bại và Theranos giải thể, trở thành một câu chuyện cảnh giác ở Thung lũng Silicon. Hôm nay tại San Jose, California, tiến trình lựa chọn bồi thẩm đoàn cho phiên tòa xét xử Holmes tội lừa đảo sẽ bắt đầu.
Các công tố viên cáo buộc cô và giám đốc điều hành Ramesh Balwani cố ý đánh lừa các nhà đầu tư, bác sĩ và bệnh nhân về công nghệ này – cả hai đều phủ nhận cáo buộc. Các luật sư của Holmes có thể sẽ dùng chiêu “biện hộ Svengali” và lập luận cô bị ông Balwani lạm dụng (họ có quan hệ tình cảm), khiến cô bị tổn thương và làm cô kém sáng suốt. Với bản án 20 năm treo trên đầu, phòng xử án nhất định sẽ rất kịch tính.
Tranh cãi Ba Lan-EU kéo dài
Hôm nay, Tòa án Hiến pháp Ba Lan sẽ xem xét liệu hiến pháp nước này hay các quy tắc của EU có hiệu lực cao hơn. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc tranh cãi kéo dài giữa Ba Lan và EU về các cải cách tư pháp của chính phủ cánh hữu, mà Ủy ban châu Âu nói làm suy yếu tính độc lập của hệ thống pháp luật của đất nước.
Đã có một vài dấu hiệu cho thấy Ba Lan sẽ nhượng bộ. Tháng này chính phủ hứa sẽ cải tổ phòng kỷ luật của Tòa án Tối cao để đáp lại phán quyết từ Tòa án Công lý EU, theo đó phát hiện ra phòng này không đảm bảo “tính công bằng và độc lập”.
Song phiên điều trần hôm nay vẫn diễn ra dù Liên minh Châu Âu phản đối. Ủy ban đã yêu cầu Ba Lan không thắc mắc về việc luật EU có giá trị cao hơn luật quốc gia, lập luận rằng việc tuân thủ các quy tắc châu Âu là một trong những nguyên tắc cơ bản của khối. Nhưng chính phủ Ba Lan đã ngó lơ cảnh báo của ủy ban trong nhiều năm qua. Cuộc tranh cãi sẽ tiếp tục.
Môi trường làm việc “lai”: cuộc thử nghiệm tiếp theo
Các nhân viên quay lại văn phòng sau kỳ nghỉ hè sẽ tiếp tục với làm việc từ xa. Đối với các công ty là câu hỏi liệu nên tổ chức họp trực tiếp hay online (hay cả hai), cũng như làm thế nào để hòa nhập những người không thể dự trực tiếp. Hầu hết mọi người thích cách tiếp cận “lai”, tức một số ngày ở nhà và một số ngày ở văn phòng. Tuy nhiên không có thống nhất về ý nghĩa của điều này đối với các cuộc họp. Một nghiên cứu của Zoom cho thấy khi nói đến các cuộc họp nhóm lớn, 61% người ở các nước bao gồm Mỹ, Đức và Nhật Bản muốn tham dự online.
Câu trả lời cũng phụ thuộc vào giới tính. 44% nam giới cho biết muốn tham dự trực tiếp các cuộc họp nhóm lớn, so với chỉ 33% ở phụ nữ. Mọi người có nhiều khả năng thích một cuộc họp thực tế hơn nếu liên quan khách hàng mới, trong khi đối với các cuộc họp nhóm nhỏ, thăm dò cho thấy hai bên đều nhau. Sẽ còn nhiều cuộc gọi video.
Afghanistan : Hội đồng Bảo an ra nghị quyết về di tản, không đề cập “vùng an toàn”
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua 30/08/2021 đã thông qua một nghị quyết về Afghanistan, kêu gọi phe Taliban tôn trọng các lời hứa, và để cho những ai muốn di tản được ra đi. Nhưng nghị quyết không đề cập đến vùng an toàn như tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị cuối tuần qua.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :
« Cuộc họp được cho là nhằm tìm ra giải pháp khẩn cấp để tiếp tục di tản, một khi người Mỹ đã ra đi. Nhưng rốt cuộc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ đưa ra một nghị quyết kêu gọi ‘‘phe Taliban tôn trọng các lời hứa, và để cho những người ngoại quốc cũng như người Afghanistan nào muốn di tản được ra khỏi nước’’.
Như vậy đây chỉ mới là kêu gọi, và hiện chưa phải là một nghị quyết mang tính ràng buộc. Đại diện Estonia hôm qua cho biết đã hy vọng vào một chủ trương cứng rắn hơn, chỉ trích Hội đồng Bảo an không có hành động nào.
Về phía Anh quốc, Hoa Kỳ và Pháp, cuối tuần rồi đã loan báo sẽ thiết lập một vùng an toàn, các nước này nói rằng đó là bước đầu trong khi chờ đợi xem xét hành động của Taliban một khi họ lập xong chính phủ. Đại sứ Anh giải thích : ‘‘Chúng tôi có các phương tiện gây áp lực, và có thể áp đặt trừng phạt nếu cần thiết’’.
Trên thực tế, các thành viên Hội đồng Bảo qn đã phải giảm nhẹ tầm mức vì Nga và Trung Quốc hôm qua vắng mặt, không bỏ phiếu ».
Bão Ida gây thiệt hại nặng cho Louisiana, 16 năm sau Katrina
Tại Hoa Kỳ, thành phố New Orleans, bang Louisiana, hôm nay 31/08/2021 vẫn chìm trong bóng tối và tình trạng này có thể kéo dài. Đó là một trong những hậu quả của cơn bão Ida, hiện đã làm 2 người thiệt mạng : một người đàn ông 60 tuổi bị cây đổ làm sập nhà và một người khác chết đuối khi cố lái xe qua vùng lụt.
Mười sáu năm sau trận bão Katrina, chính quyền đã chuẩn bị tốt hơn và dân chúng được sơ tán hàng loạt, tuy nhiên thiệt hại vẫn nặng nề. Từ Houston, thông tín viên RFI tại khu vực, Thomas Harms cho biết thêm chi tiết :
« Louisiana mất cả một ngày để thống kê những vết thương, trước khi băng bó lại. Hàng trăm gốc cây bị bật rễ, những mái nhà bị sụp đổ hoặc bị thổi bay đi, những chiếc xe hơi bị nước cuốn trôi…
Mạng điện thoại di động và lưới điện cũng không hoạt động tại khu vực New Orleans. Đa số đường cáp không được chôn dưới đất mà giăng qua các cột điện, trong khi nhiều cột đã bị đổ. Theo thống đốc Louisiana, ông John Bel Edwards, có thể phải chờ đợi nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, mới có điện trở lại.
Nói chuyện với tổng thống Joe Biden qua điện thoại, thống đốc Edwards cho biết : ‘‘Thiệt hại thật khủng khiếp, và cần phải có thời gian để khắc phục. Ông đã nói đến việc điện bị cúp, điều đó rất quan trọng đối với chúng tôi. Tôi cho rằng có gần hai triệu người hiện đang bị mất điện’’.
Tình hình càng trầm trọng hơn khi tại các bang miền nam nước Mỹ, mùa hè rất nóng bức, nhiệt độ thường vượt quá 35°C. Có ít nhất ba bệnh viện phải sơ tán vì thiếu điện.
Các đội cứu hộ phải hoạt động suốt cả ngày. Vệ binh quốc gia đã cứu được gần 200 người gặp nguy hiểm, phải leo lên nóc nhà hoặc gác xép để tránh lụt. Nước lũ vẫn tràn ngập, đặc biệt ở phía nam New Orleans, Laplace và Lafitte ».
Thủ tướng công bố Úc vừa có thêm nửa triệu liều Pfizer
Thủ tướng Scott Morrison vừa công bố vào sáng hôm nay Úc sẽ nhận được 500,000 liều vaccine Pfizer vào tuần này và được phân phối đi toàn quốc vào tuần sau.
Ông nói rằng đây là “deal” trao đổi giữa Úc và Singapore. Theo sự thỏa thuận này Úc sẽ nhận 500,000 liều Pfizer của Singapore sắp hết hạn. Và những liều thuốc này sẽ được phân phối đồng đều cho tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ dựa trên tỉ lệ dân số.
Chính phủ Liên bang sẽ gởi lại cho Singapore nửa triệu vaccine Pfizer vào tháng 12 khi mà Úc nhận được nguồn cung cấp dồi dào.
Ngoài số vaccine trao đổi với Singapore, Úc đã có sẵn khoảng 4.5 triệu liều chuẩn bị cho tháng 9 và 1 triệu liều Moderna và nhiều triệu AstraZeneca để bảo đảm đủ cho tháng 9 khi nhu cầu tăng rất cao.
Khi nào biên giới mở cửa
Trong buổi họp báo sáng nay, phóng viên hỏi Thủ tướng khi nào biên giới giữa các tiểu bang sẽ mở cửa – 70 hay 80% tỉ lệ chích ngừa?
Ông nói rằng vấn đề đó nằm trong thẩm quyền của tiểu bang.
“Nhưng theo sự đồng ý trong kế hoạch quốc gia, chúng tôi muốn làm điều đó trong sự an toàn nhất dựa trên những chứng cớ khoa học tốt nhất.
“Chương trình chích ngừa là trọng tâm của kế hoạch quốc gia. Kế hoạch quốc gia nhằm giúp cho tất cả chúng ta có thể sống với vi khuẩn, không sợ hãi nói,” ông nói.“Đó là tương lai của chúng ta. Chúng ta phải lạc quan về tương lai, mỗi một liều vaccine là một viên gạch lót đường đi đến mục tiêu mà chúng ta nhắm đến. Tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ đang trên hành trình của kế hoạch quốc gia nhưng chúng ta bắt đầu từ những nơi khác nhau.
“Tình hình dịch bệnh Covid mỗi nơi mỗi khác. Tình hình ở Tasmania và Tây Úc dĩ nhiên là không giống với những gì chúng ta đang chứng kiến tại ACT, NSW và Victoria. Tình hình ở Queensland, Nam Úc và Northern Territory cũng không giống với những nơi khác.
“Nhưng cái đích mà chúng nhắm đến thì giống nhau. Chúng ta có thể bắt đầu từ một điểm khác nhau và nơi đó đang mang tất cả chúng ta về lại với nhau. Nối kết chúng ta lại như những công dân Úc và nối kết nước Úc với thế giới. Đó là mục đích của chương trình quốc gia. Cho nên không cần biết chúng ta bắt đầu từ đây, điểm đến là những gì mà chúng ta chia sẻ”.
Pfizer lên tiếng trước thông tin một công ty tự nhân VN nhập 15 triệu liều vắc xin
Sau thông tin một doanh nghiệp tại Đồng Nai đã đàm phán và ký hợp đồng với Pfizer để nhập 15 triệu liều vắc xin COVID-19 của hãng này về Việt Nam vào đầu tháng 9, đại diện Pfizer đã lên tiếng phủ nhận nguồn tin trên.
Trong trao đổi qua email với phóng viên Tiền Phong trưa 30/8, đại diện Pfizer cho biết, hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu.
“Chúng tôi hiểu nhu cầu cấp thiết của nhiều người, là muốn được tiêm phòng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các chính phủ trung ương và các tổ chức lớn toàn cầu hiện ở vị trí tốt nhất để phân phối vắc xin một cách công bằng và bình đẳng cho người dân của các quốc gia. Theo các thỏa thuận cung cấp vắc xin này, các chính phủ trung ương sẽ có trọng trách quản lý việc phân bổ và phân phối vắc xin tại quốc gia của họ”- đại diện Pfizer cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về viêc doanh nghiệp tư nhân, mà cụ thể là Công ty Donacoop ở Đồng Nai đã làm việc với Pfizer để nhập 15 triệu liều vắc xin về trong đầu tháng 9, đại diện Pfizer cho rằng: “Chúng tôi xin khẳng định lại rằng không có vắc xin nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Hiện tại, không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vắc xin của chúng tôi trên toàn thế giới”.
Trước đó, ngày 16/6, tại buổi tập huấn trực tuyến phân biệt vắc xin thật – giả giữa cơ quan an ninh Mỹ, hãng Pfizer và Tổng cục Quản lý thị trường Việt Nam, ông John Paul Pullicino – đại diện hãng dược Pfizer cho biết, vắc xin Pfizer cung cấp trực tiếp qua thoả thuận song phương với chính phủ, không có nguồn tư nhân nào là hợp pháp.
Ông John Paul Pullicino cũng nhấn mạnh rằng, hiện hãng đảm bảo cung cấp vắc xin thông qua nguồn hợp pháp và được phê duyệt từ chính phủ các nước. Gần đây, hãng ghi nhận nhiều vắc xin Pfizer giả trên thế giới. Tại Việt Nam, hãng cũng ghi nhận trường hợp một số cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vắc xin Pfizer.
“Chúng tôi khẳng định vắc xin Pfizer trên toàn cầu chỉ cung cấp trực tiếp thông qua các thoả thuận song phương với các chính phủ. Đến nay, không có một nguồn vắc xin tư nhân nào là hợp pháp”, ông John Paul Pullicino khẳng định lại.
Trong khi đó, bà Vanessa Piepenburg – đại diện Đội an ninh toàn cầu của Pfizer tại Singapore cho biết, hiện vắc xin Pfizer chưa được bán thương mại, bất kỳ các giao dịch thương mại nào đều là sản phẩm giả mạo hoặc không chính hãng.
Liên minh châu Âu khuyến nghị các thành viên hạn chế khách du lịch Mỹ
Ảnh: Youtube/Hung Henniges.
Liên minh Châu Âu khuyến nghị 27 quốc gia thành viên khôi phục các hạn chế đối với du khách Mỹ, một thay đổi chủ yếu ảnh hưởng đến những người chưa được tiêm chủng, vì tỷ lệ nhiễm virus corona mới tăng cao đã khiến Hoa Kỳ trở thành điểm nóng của đại dịch toàn cầu, theo tờ Washington Post.
Các quan chức EU hôm thứ Hai đã quyết định loại bỏ Hoa Kỳ khỏi “danh sách an toàn” của khối các quốc gia mà cư dân của họ không phải đối mặt với các hạn chế đi lại. Nhưng động thái này đi kèm với một số lưu ý: Khuyến nghị không ràng buộc về mặt pháp lý và tùy thuộc vào từng thành viên EU để quyết định có thực hiện nó hay không.
Các quan chức khẳng định rằng nếu các nước châu Âu chấp nhận chứng nhận tiêm chủng, họ nên tiếp tục tiếp nhận những khách du lịch đã được tiêm chủng, bất kể họ đến từ đâu, miễn là họ đã nhận được đầy đủ phác đồ vắc-xin đã được phê duyệt.
Một nhà ngoại giao EU nói với điều kiện giấu tên cho biết những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn được duy trì quyền tiếp cận không bị kiểm soát đối với Liên minh châu Âu.
Đề xuất được đưa ra sau nhiều tuần cân nhắc và trong bối cảnh bùng phát ngày càng tồi tệ ở Hoa Kỳ. EU lần đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế đối với du khách Mỹ vào tháng 6, một quyết định phản ánh bức tranh dịch tễ học đang được cải thiện và mở cửa lại biên giới vào lúc cao điểm của mùa hè, khi các nền kinh tế Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu hụt thu nhập từ du lịch.
Nhưng nhiều điều đã thay đổi kể từ đó. Mức độ chủng ngừa ở nhiều nước châu Âu đã vượt qua mức ở Hoa Kỳ, và biến thể Delta siêu lây nhiễm đã thúc đẩy làn sóng dịch bệnh thứ tư.